Nhập khẩu phế liệu "đồng nát" phải ký quỹ bảo vệ môi trường

Ngày đăng: 25/02/2022 09:52 AM

Nhập khẩu phế liệu 

Ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất nhằm bảo đảm tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu sẽ được thực hiện theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, có hiệu lực từ trung tuần tháng 1/2022.

Cụ thể, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu thực hiện ký quỹ tại quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh, hoặc tổ chức tín dụng nơi tổ chức, cá nhân mở tài khoản giao dịch (tổ chức nhận ký quỹ). Việc ký quỹ thực hiện theo từng lô hàng, hoặc theo từng hợp đồng có thông tin và giá trị của lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Tiền ký quỹ được nộp, hoàn trả bằng tiền đồng Việt Nam và được hưởng lãi suất đã thỏa thuận theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sắt, thép phế liệu phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định như sau: Khối lượng nhập khẩu dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn đến dưới 1.000 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; khối lượng nhập khẩu từ 1.000 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu giấy phế liệu và nhựa phế liệu phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định như sau: Khối lượng nhập khẩu dưới 100 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; khối lượng nhập khẩu từ 100 tấn đến dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 18% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu không thuộc quy định nêu trên thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, với số tiền được quy định là 10% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.

Theo Tổng Cục Hải quan, có nhiều thời điểm tại các cảng biển của Việt Nam tồn đọng tới hàng ngàn container là phế liệu nhưng rất khó tìm chủ sở hữu các container này, dẫn tới việc kiểm tra, phân loại, yêu cầu vận chuyển lô hàng phế liệu nhập khẩu vi phạm ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc tiêu hủy gặp nhiều khó khăn. 

Thời gian vừa qua, ngành hải quan đã khởi tố hơn 10 vụ việc liên quan đến nhập lậu phế liệu, chuyển một số vụ đến cơ quan công an mở rộng điều tra làm rõ. Trong đó, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan khởi tố 4 doanh nghiệp, Cục Hải quan Hải Phòng khởi tố 2 doanh nghiệp, Cục Hải quan An Giang khởi tố 7 cá nhân nhập lậu phế liệu.

Chia sẻ:
Bài viết khác:
Zalo
Hotline